Đánh giá thị trường dầu nhớt Shell,BP,Total...năm 2013-2014
Nhìn lại thị trường Dầu Nhớt
Việt Nam năm 2013 và triển vọng năm 2014
Trong năm 2013, GDP Việt Nam tăng 5.2%, sau một thập kỷ tăng ở mức kỷ
lục từ 8.3% từ năm 2003-2007 và trên 6% từ năm 2008-2011. Nền kinh tế
dường như kiệt sức sau một giai đoạn dài mà lạm phát và lãi suất ngân
hàng vào hàng cao nhất nhì trên thế giới. Ngành công nghiệp Dầu nhớt
cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy triển vọng phát
triển của ngành tại Việt Nam trong năm 2014.
+ Sản lượng tiêu thụ của Dầu nhớt (bao gồm mỡ bôi trơn) trong năm 2013
ước đạt 310 ngàn Tấn (310 KT). Trong đó, sản lượng Dầu nhớt cho ngành
Vận tải đạt 79%; 19% cho Dầu nhớt Công nghiệp và 2% mỡ bôi trơn các
loại. Khoảng 80% được sản xuất (pha chế) trong nước với sự hiện diện
của nhiều nhãn hiệu Dầu nhớt nổi tiếng như: SHELL, BP-Castrol, Total,
Chevron,..v.v..còn lại 20% được nhập khẩu với một số loại Dầu mỡ đặc
biệt hay bởi các nhãn hiệu Dầu nhớt độc lập như : GS (Hàn Quốc),
Valvoline (Mỹ, được sản xuất tại Singapore), BlackGold
(Singapore),.v.v..
+ Ước tính tốc độ tăng trưởng của ngành Dầu nhớt Việt Nam trong giai
đoạn 2010-2015 trong khoảng 4.3%. Tuy nhiên với ảnh hưởng suy thoái
kinh tế toàn diện tại Việt Nam, dự báo trong năm 2014 tăng trưởng chỉ
đạt 3% tức chỉ đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 320 KT. Hiện nay, mức tiêu
thụ được phân bố chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các vùng
kinh tế trọng điểm xung quanh Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Với tỷ lệ
tiêu thụ 55% tập trung phía Nam, 30% phía Bắc và 15% miền Trung và Cao
nguyên nên dễ dàng nhận thấy sự phân bố các nhà máy pha chế : ShellL,
BP-Castrol, Total/Mobil, Petrolimex, Vilube/Motul,... tập trung phía
Nam chỉ còn Chevron (Caltex), APP, và Idemitsu vừa công bố dự án xây
dựng nhà máy tại Phía Bắc. Một nhà máy pha chế của Tập đoàn Than và
Khoáng sản Việt Nam (Cominlube) đã vận hành với quan điểm bao cấp cho
các mỏ khai thác của Tập đoàn tuy nhiên sản lượng cũng chỉ đạt 2 KT
trong năm 2012.
+ Năm 2013, BP-Castrol vẫn chiếm lĩnh thị phần 21%, theo sau là Total
với 13% sau khi sát nhập nhà máy, hệ thống phân phối của Mobil và hợp
nhất Lubmarine (Elf) từ Petrolimex (PLC). PLC chiếm thị phần 11% là mức
kỳ vọng của Shell năm 2013 sau 2 năm liên tiếp 2011-2012 ở mức 8% và
9% thị phần. Với tham vọng gia tăng gấp đôi thị phần trong vài năm tới,
Shell có sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược của mình với xác định
Dầu nhớt là mảng kinh doanh cốt lõi tại thị trường Việt Nam. Một số
nhãn hiệu nội địa khác như Mekolub, Solube, Nikko,...thị phần giảm đáng
kể do ảnh hưởng từ chất lượng không giữ vững trong các giai đoạn trước
đây. Cũng có thể là nguyên nhân trong thời gian 2 năm trở lại đây có
sự ghi nhận các hãng Dầu nhớt nội địa đã sử dụng dầu gốc tái sinh (công
nghệ thấp) được nhập khầu từ Nga, Malaysia,..hay từ Long An (tỉnh nội
địa có nhiều cơ sở chưng cất dầu không hợp lệ) để pha chế dầu động cơ
như Dầu nhớt cho xe Môtô/gắn máy (MCO) do cạnh tranh giá.
+ Hệ thống phân phối (NW) vẫn giữ được xác định là sự thành công hay
thất bại cho một nhãn hiệu. Sự ổn định NW của BP-Castrol được tưởng
thưởng xứng đáng với thị phần lên đến 35% đối với các nhãn hàng
MCO/PCMO ở các vùng đô thị. Trong khi đó, Total và Shell, Chevron vẫn
loay hoay với NW tưởng chừng như đã thiết lập vững vàng lâu nay. Đối
với một số nhãn hiệu kém tên tuổi hơn thì dường như đang có sự "khủng
hoảng NW" vì đặc tính "không trung thành" của hệ thống này. Họ sẵn sàng
chọn nhãn hiệu khác khi những điều kiện về giá, mức lợi nhuận, lãnh
địa,..hấp dẫn hơn vì họ có sẵn khách hàng, sự thấu hiểu thị trường và
"quyền lực tài chính" trong khu vực của mình. Do đó, dự báo năm 2013 sẽ
bắt đầu cho cuộc chiến giành, lôi kéo
bởi các đặc quyền cho hệ thống phân phối của các Hãng.
+ Với tâm lý mua hàng " không biết gì cả" hay " phó thác cho người bán"
DIFM ( Do-it-for-me), người tiêu dùng trao cơ hội cho các nhãn hàng có
độ phủ rộng với garages, tiệm sửa/rửa xe như BP-Castrol, Shell,..hay
như kẻ "cộng sinh" với dầu chuyên dụng như Honda, Yamaha...đối với phân
khúc MCO/PCMO (Dầu nhớt cho Xe môtô/gắn máy/ Xe tải/ôtô). Tuy nhiên,
kênh phân phối thông qua các Nhà phân phối vẫn phát triển thông dụng cho
phân khúc IO/MO (Dầu mỡ Công nghiệp/Hàng hải) do thuận tiện trong việc
phân phối đến khách hàng hay vấn đề công nợ cũng như giải quyết vấn
nạn "tham nhũng trong mua hàng" rất phổ biến ở các Công ty ở Việt nam.
+ Thị trường Dầu nhớt Việt Nam trong năm 2014 vẫn là một thị trường "bò
sữa" do mức lợi nhuận ở mức cao do hỗ trợ từ giá dầu gốc (base oil) dự
báo ở mức thấp trong nửa năm 2014 ( theo ICIS/ASUS research). Giá Dầu
nhớt sẽ không giảm, tuy nhiên, sẽ bùng nổ các chiến dịch khuyến mãi để
hỗ trợ hệ thống phân phối bán hàng. Một số nhãn hiệu độc lập nhập khẩu
trực tiếp như BlackGold, GS,.v.v..sẽ có cơ hội gia tăng thị phần bởi giá
sẽ giảm bởi sự nhanh nhạy trong cập nhật giá theo khu vực ngoài ra do
sử dụng chiến lược marketing trực tiếp nên người tiêu dùng không "cõng"
ngân sách quảng cáo nặng nề như các nhãn hiệu nổi tiếng khác.
+ Cuộc chiến trong ngành công nghiệp dầu nhớt diễn ra từng ngày và
quanh năm. Năm 2014, được đánh giá vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm, tuy
nhiên, với thị trường 90 triệu dân và vẫn trong giai đoạn đầu của quá
trình "công nghiệp hoá" thì thị trường Dầu nhớt Việt Nam vẫn đủ chỗ cho
tất cả người tham gia. Nhưng sự thành công sẽ đến với nhãn hiệu biết
phát huy sự hiểu biết thị trường và một chiến lược đúng đắn. Vâng,
chiến lược luôn là quan trọng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét